Mô tả thông tin vắc xin: VẮC XIN IVACFLU-S - bệnh cúm
Vắc xin Ivacflu-S là vắc xin cúm tam giá dựa trên kháng nguyên bề mặt được phân lập từ các chủng A và B, cho hiệu quả phòng bệnh cao, ngăn chặn sự lây truyền virus cúm.
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây cúm chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch,…Thậm chí, cúm có thể cướp đi sinh mạng của một người khỏe mạnh, gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy đa tạng,…
Hiện nay, tiêm vắc xin Ivacflu-S hàng năm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm.
Thông tin về vắc xin Ivacflu-S 0,5ml (Việt Nam) phòng bệnh cúm
Vắc xin cúm Ivacflu-S 0,5ml (Việt Nam) là loại vắc xin chuyên dùng để phòng các bệnh cúm mùa, được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa cúm ở người lớn từ 18 đến 60 tuổi.
Nguồn gốc
- Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế IVAC – Việt Nam
Chỉ định
- IVACFLU-S được chỉ định phòng ngừa cúm mùa cho người lớn từ 18 tuổi đến 60 tuổi. Thời điểm tiêm ngừa tốt nhất là trước mùa dịch (cụ thể theo khuyến cáo của bác sĩ hoặc cơ sở y tế theo từng miền).
Cách dùng và liều dùng
- Vacxin Ivacflu-S được sử dụng qua đường tiêm bắp. Vị trí tiêm: Cơ delta (bắp cánh tay). Không được tiêm IVACFLU-S vào mạch máu.
- Vắc xin chưa được nghiên cứu ở đối tượng trẻ em, không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em.
- Người lớn (từ 18 tuổi đến 60 tuổi): Tiêm 1 liều ivacflu-s 0,5 ml.
Chống chỉ định
- Có tiền sử sốc phản vệ với vắc xin cúm IVACFLU-S.
- Tiền sử mẫn cảm với bất cứ chủng virus cúm nào trong thành phần vắc xin.
- Tiền sử mẫn cảm với cao su (của nút lọ đựng vắc xin) hoặc các thành phần pha chế vắc xin như dung dịch PBS.
- Người có hội chứng Guilain-Barre, có rối loạn thần kinh.
- Người bị động kinh đang tiến triển hoặc có tiền sử co giật.
- Người có cơ địa mẫn cảm nặng với các vắc xin khác (đã từng bị sốc phản vệ khi tiêm vắc xin)
- Hoãn tiêm chủng nếu người tiêm có tình trạng bệnh lý mà cán bộ tiêm chủng nhận thấy không an toàn khi tiêm vắc xin (sốt trên 38oC; bệnh nhiễm trùng cấp tính…) hoặc không đảm bảo hiệu quả của vắc xin (đang dùng thuốc ức chế miễn dịch trên 14 ngày, mắc lao thể hoạt động …).
Cảnh báo và thận trọng khi sử dụng vacxin Ivacflu-s
- Vắc xin cúm mùa IVACFLU-S nên để đạt bằng nhiệt độ phòng ngay trước khi sử dụng. Nên lắc kỹ trước khi sử dụng. Cần giám sát chặt phản ứng quá mẫn sau khi tiêm vắc xin.
- Đáp ứng miễn dịch có thể không đủ mức bảo vệ trong trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.
Phụ nữ tuổi sinh đẻ tốt nhất nên tiêm vắc xin cúm mùa trước khi chuẩn bị mang thai.
- Không chống chỉ định đối với toàn bộ đối tượng có bệnh mãn tính, đặc biệt nên tiêm vắc xin IVACFLU-S cho đối tượng làm việc ở các cơ sở xã hội đông người, nằm viện lâu ngày. Trong những trường hợp này cần theo chỉ định của bác sĩ.
- Người bị bệnh đường hô hấp mãn tính như hội chứng COPD nên tiêm vắc xin cúm mùa hàng năm theo chỉ định của bác sĩ
- Nhân viên y tế và người cao tuổi nên tiêm vắc xin trước mùa cúm hàng năm.
- Đối tượng đi du lịch đến các nước vùng dịch nên tiêm một liều ít nhất 7 ngày trước khi đi. ( Nếu chưa tiêm vắc xin cúm trong vòng 1 năm trước đó).
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
- Không có dữ liệu về sử dụng thuốc trên phụ nữ có thai, chỉ nên dùng thuốc nếu lợi ích vượt trội so với nguy cơ. Đây là vắc xin bất hoạt nên có thể dùng cho phụ nữ có thai, khi dùng phải có ý kiến bác sĩ. Không chống chỉ định tiêm vắc xin cúm trong thời kỳ cho con bú, tuy nhiên nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm.
Tác dụng không mong muốn của thuốc
- Có một số phản ứng tại chỗ như đau tại vị trí tiêm khi chạm phải, đau tại vị trí tiêm, rất thường xảy ra trong những ngày đầu sau khi tiêm, các triệu chứng tại chỗ khác như sưng, mảng cứng và quầng đỏ có thể thường xảy ra. Các phản ứng toàn thân như mệt mỏi, khó chịu rất thường hay gặp. Triệu chứng ớn lạnh, buồn nôn và sốt nhẹ thường hay xảy ra. Nôn và cảm giác sốt có thể gặp nhưng ít xảy ra. Tất cả các phản ứng không mong muốn đều ở mức độ nhẹ và thường tự khỏi sau 1 – 2 ngày, không cần điều trị.
- Rối loạn hệ thần kinh – vận động tạm thời như đau cơ, đau đầu, đau khớp là các biểu hiện thường hay bắt gặp. Cũng giống như các triệu chứng không mong muốn khác các biểu hiện trên thường nhẹ và tự qua khỏi sau 1-2 ngày, không cần điều trị.
- Chưa ghi nhận các biểu hiện rối loạn thần kinh như tê liệt, đau dây thần kinh hay viêm đa rễ thần kinh ngoại biên (hội chứng Guillian-Barre), nhưng cần chú ý vì trong y văn đã có báo cáo, mặc dù rất hiếm xảy ra. Khi có các triệu chứng nêu trên cần thông báo cho bác sĩ tại điểm tiêm phòng và cần thực hiện điều trị y tế thích hợp.
- Có thể gặp dị ứng hay phản ứng phản vệ nhưng hiếm gặp.Trong những trường hợp này cần được xử trí cấp cứu kịp thời theo quy định về an toàn tiêm chủng.
Bảo quản
- Nhiệt độ bảo quản vắc xin từ +2oC đến +8oC, tránh đông băng. Bảo quản vắc xin nguyên trong hộp để tránh ánh sáng.